Wednesday, July 27, 2016

NHỮNG DANH Y NỔI TIẾNG (PHẦN 7)

HẢI THUỢNG LÃNG ÔNG (1724 - 1791 Danh y Việt Nam) 


Ông tên thật là Lê Hữu Trác, danh y đời vua Lê Hiển Tông vào cuối thế kỷ thứ 18, sinh ngày 27/12/1724 tại thôn Liêu Xá huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, huyện Yên Mỹ, Hải Dương), mất ngày 17/2/1791 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh (đời Quang trung năm thứ 4). Tên hiệu Hải Thượng Lãng Ông, có nhiều người diễn giải là: 

- Hải: có lẽ là tỉnh Hải Dương; 
- Thượng: Là tên phủ Thượng Hồng; 
- Lãn Ông: ông già lười. 

Thuở nhỏ, ông theo cha lên Thăng Long theo học trường Quốc Tử Giám. Vì gia đình từ ông nội, chú bác đến cha ông đều làm quan to trong triều đại nhà Hậu Lê. Năm ông lên 15 tuổi đã thông minh, tạo văn chương thi phú. Ông thi đỗ Hương Cống nhưng lại theo phục vụ nhà chúa Trịnh Sâm (Thời Hậu Lê, đất nước vừa có vua vừa có chúa, chúa Trịnh ở đàng ngoài còn chúa Nguyễn ở đàng trong). Sau một thời gian ông chán cảnh phong kiến suy đồi nhà chúa Trịnh, cảnh mua quan tiến chức của triều đình nhà Lê. Nên khi nghe tin mẹ mất ông xin lui hẳn về quê. 



Ông về quê mẹ ở xã Tĩnh Diễm, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh học thêm nghề thuốc và trở thành bậc danh y với gần 30 năm lăn lộn với nghề. Từ đó ông lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Hải Thượng Lãn Ông tinh thông các cách dùng thuốc Nam để trị bệnh, đã kế thừa 496 bài phú dùng thuốc của Tuệ Tĩnh đưa vào các bộ sách y dược như Lĩnh Nam bản thảo, Hành giản trân nhu, Bách gian trân tàng, Vệ sinh yếu huyệt. 

Nhưng bộ sách quý là Y Tông Tâm Lĩnh của ông được biên soạn trong 40 năm mới hoàn thành, gồm 28 tập chia thành 66 quyển được coi là tiêu biểu cho sự nghiệp lương y của Hải Thượng Lãn Ông (sau này được in lại dưới tên Tân Huệ Hải Thượng Y Tâm Lĩnh Dương An Toàn Trạch vào năm 1866). Ngoài ra, về sáng tác văn học, Hải Thượng Lãn Ông có tập Thượng Kinh Ký Sự nói về cuộc hành trình ra Thăng Long của ông để chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm. 

Người đời sau đánh giá công lao của Hải Thượng Lãn Ông không kém một Lý Thời Trân của Trung Quốc - một nhà y học thời Minh Triều (1518 - 1593) có bộ sách y dược đồ sộ là Bản thảo cương mục - nổi tiếng khắp thế giới (lời của học giả Trương Tú Dân, khi giới thiệu quyển Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Bắc Kinh đồ thư quán ấn hành năm 1963). 

(Biên niên sử Việt Nam - Thế giới trước năm 2000)