Friday, June 3, 2022

CA LÂM SÀNG GẦN 100 CON RẬN MU LÀM TỔ TRÊN MI MẮT NAM BỆNH NHÂN

 GẦN 100 CON RẬN MU LÀM TỔ TRÊN MI MẮT NAM BỆNH NHÂN

Đây là trường hợp hiếm gặp ,nam bệnh nhân 55 tuổi có địa chỉ tại Hà Giang.

Bệnh nhân đến viện khám với lý do ngứa mắt nhiều, đã khám và nhỏ thuốc tại một số bệnh viện gần nhà nhưng không khỏi.

Đến khám chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân được kiểm tra mắt bệnh nhân dưới kính sinh hiển vi thì "tá hỏa" vì có hàng trăm ký sinh trùng và trứng ký sinh trên mi mắt bệnh nhân.

Bác sỹ đã tiến hành gây tê tại chỗ và lấy ra gần 100 ký sinh trùng rận mu và hơn 100 trứng ký sinh.

Bệnh nhân chia sẻ: Gia đình có nuôi gia cầm và gia súc phía dưới sàn nhà và có thể đó là nguyên nhân khiến ông bị nhiễm ký sinh trùng rận mu trên mắt.




BÀN LUẬN:

Rận mu là loại côn trùng ký sinh hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn. Rận mu có tên khoa học là Pthirus pubis (Linnaeus, 1758), thuộc bộ Anoplura [1].

Nhiễm ký sinh trùng rận mu được xem là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Chúng có chu kỳ phát triển nội sinh tức hoàn thiện vòng đời ngay trên cơ thể ký chủ.

Pthirus pubis là một loài rận thuộc côn trùng hút máu không có cánh, sống và sinh sản ở vùng da lông mu, vùng sinh dục nhất là ở nam giới, ngoài ra rận mu có thể được tìm thấy ở lông mày, lông mi, râu, ria mép, ngực, nách, vv, rất ít gặp ở tóc. Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu hay rận lông mu gây ra triệu chứng ngứa ngáy ở những vùng nhạy cảm [1],[3].

Những người có bệnh rận mu thường đi khám vì ngứa hoặc vì họ nhận thấy rận hoặc trứng trên lông mu của mình [4].

1. Đặc điểm sinh lý

1.1.Hình thể

Chy kỳ phát triển của Pthirus pubis chia 3 giai đoạn: trứng, nhộng, và con trưởng thành. Rận cái đẻ khoảng 30 - 50 trứng, vòng đời 30 ngày. Các trứng được gắn ở chân lông. Pthirus pubis có chu kỳ phát triển biến thái không hoàn toàn (tức ấu trùng và con trưởng thành có hình thái không khác nhau là mấy) [1],[3].

Rận mu có kích thước 0,8 - 1,2 mm. Đầu tương đối ngắn và nằm trong một lõm của ngực. Ngực của rận lớn bề ngang và dính liền với bụng thành một khối. Chúng có 6 chân, mỗi trong số đó chấm dứt với 1 móng vuốt ở cổ chân. Các móng vuốt trên cặp thứ 2 và thứ 3 của chân là rất lớn so với cặp đầu tiên, móng dài, khỏe và cong lại [1],[3].

Trứng dài 0,6 - 0,8mm, Pthirus pubis đẻ trứng trên lông mu, ngoài ra chúng còn đẻ trứng trong khu vực hậu môn, nách, đùi, bụng và thậm chí sẽ ở lông mi và râu. Pthirus pubis chủ yếu được tìm thấy trong điều kiện mất vệ sinh [3].



Trứng Pthirus pubis

1.2. Chu kỳ phát triển

Rận mu sinh sản quanh năm, thời gian mang thai khoảng 6 - 8 ngày, độ tuổi trung bình ở tuổi trưởng thành hoặc sinh sản của con cái là 23 ngày. Ấu trùng nở trong 6 - 8 ngày và thường bắt đầu hút máu trong vòng vài giờ đầu tiên. Trong khi hút máu chúng thường vẫn đứng yên, bám vào sợi tóc và cắm phần miệng vào da. Toàn bộ chu trình sống của rận mu từ trứng cho con trưởng thành là 4 - 6 tuần, với con trưởng thành sống khoảng 2 tuần. Rận mu có thể bò khoảng cách 10cm/đêm nhưng thường vẫn đứng yên [1],[3].

Khi nhiệt độ cơ thể tăng (sốt) hay giảm (lúc sắp chết), rận sẽ rời vật chủ, đi tìm vật chủ khác [1]. Rận thường sống khoảng 1 tháng, chết ngay sau khi sinh sản.



Chu kỳ phát triển của Pthirus pubis 

Rận mu có 3 giai đoạn: trứng, nhộng và trưởng thành. Trứng được dính dọc theo trục của tóc (1). Con cái sẽ đẻ khoảng 30 - 50 trứng trong quá tuổi thọ 3 - 4 tuần. Trứng nở sau khoảng 1 tuần, ấu trùng giống như con trưởng thành nhưng nhỏ hơn. Các con non trải qua 3 lần lột xác (2, 3 , 4) trước khi trở thành con trưởng thành (5). Con trưởng thành dài 0,8 - 1,2 mm và phẳng. Con trưởng thành chỉ được tìm thấy trên người và hút máu người để tồn tại [1],[3].

2. Dịch tễ

Tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới hiện nay vào khoảng 2% dân số. Để có được con số chính xác là khó khăn, vì nhiễm ký sinh trùng rận mu không được coi là một bệnh cần báo cáo của nhiều quốc gia, và nhiều trường hợp là tự điều trị hoặc điều trị kín đáo bởi các bác sĩ cá nhân [5].

Mặc dù bất kỳ vị trí nào của cơ thể có thể bị rận, nhưng chúng thường gây bệnh ở lông của bộ phận sinh dục và khu vực ven đường hậu môn. Đặc biệt là ở những bệnh nhân nam, rận mu và trứng cũng có thể được tìm thấy trong tóc, trên bụng và dưới nách, cũng như trên bộ râu và ria mép, trong khi ở trẻ chúng thường được tìm thấy trong lông mi [1],[2],[3].

3. Triệu chứng và vai trò gây bệnh

Rận mu cho tới nay chưa phát hiện truyền bệnh gì. Ngứa là các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh, nguyên nhân là do nước bọt của rận, khi rận hút máu, nước bọt tiết ra tạo ra phản ứng. Ngứa xảy ra sau 1 - 2 tuần nhiễm bệnh. Như với nhiễm ký sinh trùng rận khác, ngứa dữ dội dẫn đến gãi, gãi có thể gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu lông mi bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp có thể đưa tới viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc. Ngoài ra, bệnh nhân có thể mất ngủ, tâm thần bị ức chế [1],[2],[3].

Sẩn đỏ ngứa là biểu hiện phổ biến nhất, ngứa có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm. Vết thâm và trầy xước tìm thấy trên da bệnh nhân.

Một biểu hiện khác của căn bệnh là trứng, trứng rận mu gắn liền với lông mu hoặc ít hơn là các vùng lông khác của cơ thể (lông mi, lông mày, râu, ria mép, nách, ngực, lưng) làm cho chúng ta khó chịu.

Rận mu trên đầu (lông mi hay lông mày) của một đứa trẻ có thể là một dấu hiệu cho thấy tiếp xúc tình dục hoặc lạm dụng [3].

Người bị nhiễm rận mu nên được đánh giá đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STDs).

Rận mu được truyền qua tiếp xúc cơ thể gần gũi (ví dụ, từ một bộ râu bị nhiễm khuẩn hoặc ngực), có thể quan hệ tình dục.

4. Chẩn đoán

4.1. Chẩn đoán xác định

Rận mu thường được chẩn đoán bằng cách cẩn thận kiểm tra lông mu tìm trứng, nhộng và con trưởng thành [6]. Rận và trứng có thể được gỡ bỏ, hoặc với kẹp hoặc bằng cách cắt tóc bị nhiễm khuẩn bằng kéo (ngoại trừ vùng mắt), định loại trên kính hiển vi. Nếu rận được phát hiện trong một thành viên gia đình, toàn bộ gia đình cần phải được kiểm tra và chỉ những người đang bị nhiễm rận cần được điều trị [3].

4.2. Chẩn đoán phân biệt [7]

Trứng chấy: hơi lớn hơn so với trứng rận mu và chỉ được tìm thấy trên da đầu.

Sẩn đỏ ngứa: ghẻ (Phản ứng da làm cho da biến màu xám xanh nhạt. Lở loét ở vùng sinh dục, vùng bẹn, các kẽ ngón tay chân do vết cắn và gãi).

Có dấu hiệu nhiễm trùng như bệnh chốc lở.

Viêm bờ mi ở trẻ nhỏ không phải rận mu, lông mi nên được xem với một kính lúp có độ phóng đại cao để tìm nguyên nhân.

5. Điều trị

Các phác đồ được khuyến nghị [3]

Bôi Permethrin 1% dạng kem, rửa sạch sau 10 phút.

Hoặc: Bôi Pyrethrins với piperonyl butoxide và rửa sạch sau 10 phút.

Các phác đồ thay thế[3]

Bôi Malathion 0,5%, rủa sạch sau 8-12 giờ.

Hoặc: Ivermectin 0,25mg/kg đường uống, lặp đi lặp lại trong 2 tuần.

Lưu ý, Pediculcides (Permethrin và Pyrethrins) đã được sử dụng rộng rãi [8],[9]. Malathion có thể được sử dụng khi thất bại điều trị được cho là rận mu kháng thuốc. Ivermectin có thể không diệt được trứng trong thời gian điều trị [10], và do đó điều trị nên được lặp đi lặp lại trong 14 ngày [11],[12]. Điều chỉnh liều lượng thuốc Ivermectin là không cần thiết cho người suy thận, nhưng sự an toàn của nhiều liều ở những người có bệnh gan nặng không được biết.

Lindane dầu gội đầu là một loại thuốc có thể giết chết rận và trứng. Tuy nhiên, Lindane không được khuyến cáo như là một liệu pháp đầu tiên. Lindane có thể gây độc cho não và các bộ phận khác của hệ thần kinh; sử dụng của nó nên được giới hạn cho những bệnh nhân đã thất bại điều trị hoặc không thể dung nạp các thuốc khác mà gây ra ít rủi ro. Lindane không nên được sử dụng để điều trị những trẻ sinh non, những người có rối loạn co giật, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người có làn da dị ứng vối Lindane, trẻ sơ sinh, trẻ em (< 10 tuổi), người già [13].

Những trường hợp đặc biệt

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ có thai và cho con bú nên được điều trị bằng hoặc Permethrin hoặc Pyrethrins với Piperonyl butoxide. Bởi vì thuốc không gây quái thai hay độc tính. Ivermectin đã được quan sát thấy trong thời kỳ thai nghén, Ivermectin được phân loại là "có nguy cơ thấp" trong thai kỳ và cho con bú [14]. Sử dụng Lindane trong khi mang thai có liên quan đến dị tật ống thần kinh và chậm phát triển tâm thần, và nó có thể tích lũy trong nhau thai và sữa mẹ [13].

Nhiễm HIV [3]

Những người có bệnh rận mu và cũng nhiễm HIV nên được phác đồ điều trị tương tự như những người HIV âm tính.

Rận lông mi

Các phác đồ khuyến cáo không nên được áp dụng cho đôi mắt. Rận của lông mi nên được điều trị bằng cách áp dụng thuốc mỡ cho mắt hoặc dầu bôi trơn đến các lề mí mắt hai lần một ngày trong 10 ngày.

Lưu ý trong quá trình điều trị [3]

Bộ đồ giường và quần áo nên được khử nhiễm hoặc loại bỏ khỏi cơ thể tiếp xúc ít nhất 72 giờ. Dịch vụ khử trùng các khu vực sinh hoạt là không cần thiết. Người có bệnh rận mu nên được đánh giá STDs khác, bao gồm cả HIV.

Đánh giá nên được thực hiện sau 1 tuần nếu các triệu chứng vẫn tồn tại. Tái điều trị có thể là cần thiết nếu chí được phát hiện hay nếu trứng được tìm thấy.

Các đối tác tình dục trong tháng trước nên được điều trị. Quan hệ tình dục nên tránh cho đến khi bệnh nhân và các đối tác đã được xử lý.

6. Phòng bệnh[3]

- Sử dụng thuốc điều trị rận mu đúng chỉ định.

- Sau điều trị, hầu hết trứng tồn tại trên lông tóc. Trứng rận có thể được gỡ bỏ bằng móng tay, kẹp hoặc nhíp.

- Dùng đồ lót và quần áo “sạch” sau khi điều trị.

- Để loại trừ rận hoặc trứng còn lại trên quần áo, khăn, hoặc giường. Giặt và phơi khô những đồ dùng người bị bệnh, dùng lại sau 2 - 3 ngày. Các đồ dùng không thể giặt có thể được lưu trữ trong một túi nhựa kín trong 2 tuần.

- Tất cả bạn tình trong tháng trước đó nên được thông báo rằng họ có nguy cơ bị nhiễm và cần được điều trị.

- Người bị rận mu nên tránh quan hệ tình dục với bạn tình của họ cho đến khi cả họ và đối tác của họ đã được điều trị thành công và đánh giá lại để loại trừ nhiễm dai dẳng.

- Lặp lại điều trị trong 9 - 10 ngày nếu rận còn sống vẫn được tìm thấy.

- Không dùng chung quần áo, bộ đồ giường và khăn của người bệnh.

- Thuốc xịt diệt côn trùng là không cần thiết đối với rận mu.

- Người có rận mu nên được đánh giá đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STDs).

- Tránh quan hệ tình dục đường âm đạo, miệng hay hậu môn là tốt nhất để phòng ngừa STDs.

- Hạn chế số lượng bạn tình.

- Người dân hay nhân viên y tế đi vào vùng dịch bệnh lưu hành cần mặc quần áo bảo hộ tẩm hóa chất xua, diệt côn trùng; quần áo trơn láng, bó sát cổ, cổ tay, cổ chân.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sang, Nxb Y học, tr 165 - 166.

2. Trần Xuân Mai (2010), Bộ chí rận, Nxb Y học, tr 387 - 390.

3. Parasites - Lice - Pubic "Crab" Lice. [Online]Available at: http://www.cdc.gov/parasites/lice/pubic/, [Accessed July 27, 2015]

4. Galiczynski EM, Jr., Elston DM. What's eating you? Pubic lice (Pthirus pubis). Cutis 2008;81:109-14.

5. Patel P, Bush T, Mayer K, et al. Routine brief risk-reduction counseling with biannual STD testing reduces STD incidence among HIV-infected men who have sex with men in care. Sex Transm Dis 2012;39:470-4.

6. CDC. A comprehensive immunization strategy to eliminate transmission of hepatitis B virus infection in the United States: recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP) part II: immunization of adults. MMWR Recomm Rep 2006;55(No. RR-16).

7. CDC. Sexually transmitted diseases treatment guidelines. MMWR Recomm Rep 2010;59(No. RR-12).

8. Meinking TL, Serrano L, Hard B, et al. Comparative in vitro pediculicidal efficacy of treatments in a resistant head lice population in the United States. Arch Dermatol 2002;138:220-4.

9. Yoon KS, Gao JR, Lee SH, et al. Permethrin-resistant human head lice, Pediculus capitis, and their treatment. Arch Dermatol 2003;139:994-1000.

10. Burkhart CG, Burkhart CN. Oral ivermectin for Phthirus pubis. J Am Acad Dermatol 2004;51:1037-8.

11. Scott GR, Chosidow O. European guideline for the management of pediculosis pubis, 2010. International journal of STD and AIDS 2011;22:304-5.

12. Goldust M, Rezaee E, Raghifar R, et al. Comparing the efficacy of oral ivermectin vs malathion 0.5% lotion for the treatment of scabies. SkinMed 2014;12:284-7.

13. Nolan K, Kamrath J, Levitt J. Lindane toxicity: a comprehensive review of the medical literature. Pediatr Dermatol 2012;29:141-6.

14. Briggs GC, Freeman RK, Yaffe SJ. Drugs in Pregnancy and Lactation, 9th ed. Philadelphia, PA: Lippincott Williams & Wilkins; 2011.