Sunday, August 23, 2020

Đỉa trị liệu (Hirudo medicinalis)

    Việc sử dụng đỉa trị liệu đã được dùng ít nhất 2000 năm nay. Thời đại huy hoàng vào thế kỷ 18 và 19 khi dùng đỉa điều trị các bệnh lý bao gồm cả gút, đau đầu, bệnh tâm thần, bệnh béo phì, ho gà và 1 số bệnh khác. Xu hướng giảm dần vào thế kỷ 20

Gần đây, y học hiện đại lại chứng kiến sự trỗi dậy việc ứng dụng đỉa trong trị liệu. Bác sĩ phẫu thuật hiện nay thường sử dụng đỉa để điều trị tắc tĩnh mạch cấp sau ghép da hoặc vá da. Theo đúng nghĩa đen, tắc nghẽn dòng chảy của động mạch dẫn đến thiếu oxy máu và cuối cùng là phẫu thuật thất bại. Dấu hiệu của tắc nghẽn tĩnh mạch cấp tính bao gồm vùng da sẫm hoặc màu tím đổi màu, phù nề, thơi gian đổ đầy mao mạch nhanh và mô tương đối ấm.

Để chống tắc nghẽn tĩnh mạch, đỉa (Hirudo medicinalis) được áp dụng cho các mô bị tổn thương, cho phép máu được hút ra, phục hồi dòng chảy động mạch, ngăn ngừa thiếu máu mô và hoại tử. Một con đỉa sẽ hút 5-15 ml máu trong khoảng 25 phút. Sau khi nó thôi hút, có đến 50ml máu chảy ra từ vết cắn, điều này gây mất máu thứ phát có lợi cho việc cứu mô. Khi mất nhiều máu có thể cần truyền máu
Các tuyến nước bọt đỉa tiết ra một số chất tạo thuận lợi cho các tác động có lợi của liệu pháp này. nước bọt đỉa có chứa chấtchống đông máu bao gồm hirudin, một chất ức chế thrombin chọn lọc, ngăn chặn sự hình thành huyết khối. Ngoài ra, một thành phần gây tê làm vết cắn không đau và chất giãn mạch tương tự histamine làm tăng lưu lượng máu tới mồm đỉa.



(Ảnh FB Bs Nguyễn Thanh Tùng)

Note: Ruột đỉa chứa Aeromonas hydrophila, trực khuẩn kỵ khí gram âm giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa máu hút vào. vi khuẩn này kháng penicillin có thể truyền từ mồm đỉa sang gây viêm mô tế bào, hình thành áp xe, hoại tử mô, nhiễm trùng huyết. vì vậy, theo kinh nghiệm nên dùng 10-14 ngày kháng sinh dự phòng với liệu pháp trị liệu đỉa bằng trimethoprim-sulfamethoxazole, fluoroquinolones, hoặc một cephalosporin thế hệ thứ ba

Nguồn: BS Phạm Minh

Friday, August 21, 2020

SA TRỰC TRÀNG



SA TRỰC TRÀNG (Rectal prolapse)

1. ĐẠI CƯƠNG:

- Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn, đây là thuật ngữ chung đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ để gọi tất cả các loại sa với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên không phải lúc nào các kiểu đó cũng là những mức độ tiến triển của cùng một tình trạng bệng lý, mà thường có các nguyên nhân riêng biệt và đòi hỏi các biện pháp điều trị rất khác nhau. Các lứa tuổi đều có thể mắc sa trực tràng nhưng hay gặp ở trẻ em 1 - 3 tuổi (sa niêm mạc) và người lớn trên 50 tuổi (thường gặp cả sa niêm mạc và sa toàn bộ). Sa trực tràng chiếm tỉ lệ 0,2 - 1% các bệnh lý ngoại khoa.

- Các công trình nghiên cứu của Tuttle - 1903 và tiếp theo của Moschcowitz A.V - 1912 và các tác giả khác Scali P - 1987 và Hourys - 1987 đã phần nào làm sáng tỏ một số vấn đề về nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh... của sa trực tràng, nhưng cho đến hiện nay vẫn được coi là bệnh có nguyên nhân khó hiểu, có rất nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa khác nhau (trên 200 phương pháp) và tỉ lệ tái phát dao động từ 1 - 30%. Theo Schilinkert - 1985: "Một phẫu thuật tốt nhất đối với sa trực tràng hiện nay vẫn còn chưa được biết đến", gần đây Lechaux - 1992 cũng kết

luận như vậy.

2. NGUYÊN NHÂN BỆNH SINH:

2.1. Các nguyên  nhân  làm  tăng áp lực ổ bụng đột ngột, kéo dài và các nguyên

nhân làm bệnh nhân phải dặn nhiều:

- Ở trẻ em: Ỉa chảy, ho gà, hẹp bao quy đầu.

- Ở người lớn: Táo bón, bệnh lỵ, viêm đại tràng mãn, bí đái, u tuyến tiền
liệt, sỏi bàng quang ...

- Người làm nghề khuân vác nặng.

2.2. Sự suy yếu của các phương tiện treo giữ hậu môn - trực tràng:

Sự  suy  yếu  cơ thắt,  cơ  nâng hậu môn và các cân cơ đáy chậu tự nhiên hoặc

mắc phải không giữ được trực tràng ở vị trí bình thường.

2.3. Sự khuyết tật về giải phẫu:

Có thể bẩm sinh hoặc mắc phải như sự kéo dài của túi cùng Douglas, hình thành mạc treo trực tràng, độ cong của xương cùng cụt ít, đại tràng å quá dài ...

Trong thực tế sa trực tràng có sự phối hợp của nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có khi lại không tìm thấy một nguyên nhân nào. Có hai giả thuyết để có thể giải thích sự phát sinh của sa trực tràng toàn bộ :

- Moschcowitz A.V. - 1912 cho rằng điểm khởi phát là thành trước trực tràng bị "thoát vị trượt" qua sàn chậu hông yếu và không đủ độ vững vàng để trấn giữ, tiếp theo đó là các phương tiện treo trực tràng bị giãn mỏng dần, dính yếu ớt với các tạng xung quanh, kết hợp với các yếu tố nguyên nhân làm tăng áp lực ổ bụng thúc đẩy thì sa trực tràng xuất hiện. Bằng chứng rõ nhất là trong sa trực tràng bao giờ cũng thấy túi cùng Douglas xuống rất thấp.

- Mất độ cong sinh lý của trực tràng tức là mất góc gấp trục trực tràng và trục ống hậu môn do giãn nhẽo các hệ thống dây chằng bám dính phía sau ống hậu môn - trực tràng tạo thành một mạc treo trực tràng thực sự (Ripstein và Lanter - 1963). Broden và Snellman căn cứ trên những hình ảnh trong khi theo dõi liên tục trên màn huỳnh quang thấy rằng cùng một lúc toàn bộ chu vi của trực tràng bị tuột xuống và khởi phát từ phần trên cao cách mép hậu môn 7 - 8cm.

Tuy nhiên hai giả thuyết này không thật hoàn toàn cắt nghĩa được cơ chế bệnh sinh của sa trực tràng. Các tác giả đã không chú ý tới vai trò chức năng của cơ thắt hậu môn mà tình trạng mất chức năng của nó là một điều kiện hết sức quan trọng và thường gặp đối với việc phát sinh bệnh sa trực tràng. Chúng tôi thấy rằng trong sa trực tràng toàn bộ có các tình trạng giải phẫu bệnh lý của trực tràng sa như sau:

- Không đầy đủ phương tiện cố định nhất là ở phía sau trực tràng.

- Mất độ cong sinh lý của trực tràng, mất góc hậu môn - trực tràng.

- Đại tràng å dài quá mức.

- Túi cùng Douglas quá sâu và rộng.

- Doãng rộng hậu môn. ( Xem tiếp) 

Tuesday, August 4, 2020

XOẮN ĐẠI TRÀNG SIGMA (Sigmoid volvulus)



1. ĐẠI CƯƠNG

Xoắn đại tràng sigma là một cấp cứu bụng ngoại khoa. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, lâm sàng có triệu chứng của tắc ruột thấp. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và X quang.

1.1. Nguyên nhân

Xoắn đại tràng sigma thường gặp ở những bệnh nhân có điều kiện thuận lợi và do các nguyên nhân sau:

- Do đặc điểm giải phẫu:

+ Đại tràng sigma dài do bẩm sinh hoặc do hậu quả của một số bệnh khác.

+ Rễ mạc treo đại tràng sigma ngắn do bẩm sinh hoặc do viêm nhiễm gây nên.

- Do táo bón lâu ngày, nằm lâu hoặc những người mắc bệnh tâm thần.

1.2. Giải phẫu bệnh lý

- Đại thể:

+ Khi mở vào ổ bụng thấy đại tràng sigma dãn rất to, tùy theo mức độ và thời gian bị xoắn mà mà hình ảnh tổn thương ở thành ruột khác nhau. Có khi ruột bị thâm tím, ruột có thể hoại tử khi mổ muộn.

+ Chiều xoắn của đại tràng sigma có thể cùng chiều hay ngược chiều kim đồng hồ.

- Vi thể: các tổn thương do xoắn đại tràng sigma có thể có sung huyết, xuất huyết niêm mạc, nghẽn các mạch mạc treo, hoặc hoại tử hoàn toàn thành ruột.

2. TRIỆU CHỨNG

2.1. Cơ năng

- Bệnh nhân xuất hiện đau bụng từng cơn vùng dưới rốn.

- Thường có buồn nôn và nôn kèm theo.

- Bí trung, đại tiện.

- Khai thác tiền sử thấy bệnh nhân thường bị táo bón mãn tính đôi khi có biểu hiện của bán tắc ruột.

2.2. Thực thể

- Nhìn: bụng trướng lệch, không đều, căng to ở bên phải nhiều hơn, ít khi có dấu hiệu rắn bò.

- Nghe: nhu động ruột không tăng.

- Gõ vang do quai ruột chướng hơi.

- Sờ, nắn thấy một khối căng dãn ở bụng.

- Trên quai ruột chướng có tam chứng Von Wahl: không có sóng nhu động, gõ vang, nghe không có tiếng nhu động.

- Thăm trực tràng: bóng trực tràng rỗng, đôi khi có thể sờ thấy một nút xoắn ở cao, ấn vào rất đau. Luồn ống nelaton qua trực tràng lên cao có cảm giác tắc nghẽn.

2.3. Toàn thân

- Nếu xoắn đại tràng sigma đến sớm thì tình trạng toàn thân không ảnh hưởng.

- Nếu để muộn bệnh nhân sẽ suy sụp do ruột bị hoại tử, gây nên tình  trạng viêm phúc mạc phân, tiên lượng rất nặng.

2.4. X quang

- Chụp X quang ổ bụng không chuẩn bị thấy một quai ruột đơn độc, dãn căng to hình hạt cà phê, mặt lõm quay xuống hố chậu trái. Quai ruột dãn nằm bắt chéo từ hố chậu trái sang hạ sườn phải, ở đáy có mức nước.

- Thụt baryte vào đại tràng qua hậu môn thấy bóng trực tràng dãn to, có hình mỏ chim.

3. DIỄN BIẾN VÀ CÁC THỂ LÂM SÀNG

3.1. Diễn biến

- Xoắn đại tràng sigma không hoàn toàn có thể tự tháo xoắn, không phải điều trị phẫu thuật nhưng dễ bị tái phát.

- Nếu xoắn hoàn toàn không điều trị sớm và kịp thời thì quai ruột xoắn bị tổn thương ngày càng nặng, có thể dẫn đến hoại tử và thủng gây viêm phúc mạc phân, tiên lượng rất nặng.

3.2. Các thể lâm sàng

- Thể tối cấp tính: đau đột ngột, dữ dội, quai ruột  xoắn 360o,  ruột nhanh chóng bị hoại tử, viêm phúc mạc, nhiễm độc, toàn thân suy sụp nhanh.

- Thể cấp tính: đã mô tả như trên.

- Thể bán cấp: các triệu chứng không rầm rộ, bệnh nhân thường không đến viện hoặc đến rất muộn.

- Thể tái phát: thường tái  đi, tái lại nhiều lần.

4. CHẨN ĐOÁN

4.1. Chẩn đoán xác định

- Lâm sàng: triệu chứng tắc ruột thấp.

- X quang: hình ảnh quai ruột dãn hình hạt cafe nằm từ hố chậu trái đến hạ sườn phải, hình mỏ chim…

4.2. Chẩn đoán phân biệt

4.2.1. Xoắn manh tràng

- Ít gặp, chẩn đoán khó, chụp X quang ổ bụng không chuẩn bị thấy một quai ruột dãn nằm bắt chéo từ hố chậu phải sang hố chậu trái, hình hạt cà phê (quay về hố chậu phải).

- Thụt baryte, chụp thấy tắc ở trên cao vùng đại tràng lên tùy mức độ “soắn”.

4.2.2. Ung thư đại trực tràng

- Tiền sử có đau bụng tuy nhiên đau không có tính chất cấp tính và dữ dội như trong xoắn đại tràng.

- Đi ngoài phân nhỏ, dẹt, có máu mũi.

- Bụng trướng đều.

-X quang thụt baryte, chụp khung đại tràng có hình u nham nhở, nội soi sinh thiết chẩn đoán xác định.

4.2.3. Lồng ruột

- Thường sờ thấy búi lồng dễ dàng.

- Thăm trực tràng có máu theo tay.

- Chụp khung đại tràng cản quang có hình lồng ruột.

5. ĐIỀU TRỊ

5.1. Điều trị bảo tồn

- Chỉ định:

+ Bệnh nhân đến sớm, biết chắc quai ruột không bị hoại tử.

+ Những bệnh nhân trên 60 tuổi, xoắn lần đầu.

- Cho bệnh nhân nằm tư thế gối - ngực, qua soi trực tràng đẩy ống thông cao su một cách nhẹ nhàng lên cao. Khi ống thông vượt qua nút xoắn sẽ có hơi xì ra, sau đó cố định ống thông vào hậu môn để tháo hơi và phân ra ngoài, chuẩn bị cho mổ phiên.

5.2. Điều trị phẫu thuật

- Chỉ định: chỉ định phẫu thuật cấp cứu nếu như không tháo xoắn được hoặc biểu hiện của tắc nghẹt, hoại tử của ruột xoắn.

- Thái độ xử trí trong phẫu thuật:

+ Nếu quai ruột còn tốt: nhẹ nhàng tháo xoắn ngược chiều với chiều xoắn, cố định lại đại tràng sigma.

+ Nếu đại tràng sigma có nguy cơ hoại tử: cắt đoạn ruột mà không tháo xoắn, đưa ra ngoài làm hậu môn nhân tạo.

+ Nếu ruột đã hoại tử và thủng: sau khi cắt đoạn ruột làm hậu môn nhân tạo phải rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu có hệ thống bơm rửa ổ bụng hàng ngày. Ở những bệnh nhân này tỷ lệ tử vong cao do tình trạng viêm phúc mạc phân rất nặng.

Hình ảnh lâm sàng: Phẫu thuật bệnh nhân xoắn đại tràng sigma 03/8/2020