Wednesday, November 18, 2020

SÀNG LỌC SƠ SINH BỆNH HEMOGLOBIN/THALASSEMIA

I. Đặt vấn đề  

   Bất thường hemoglobin (Hb) là bệnh) di truyền phổ biến nhất chiếm tỉ lệ gần7% dân số thế giới. Hàng năm, khoảng 300.000 đến 500.000 trẻ sinh ra có bất thường về hemoglobin trên toàn thế giới. Bất thường hemoglobin có tần suất xuất hiện cao nhất trong khu vực nhiệt đới bao gồm các vùng Địa Trung Hải , châu Phi và châu Á và ở nhiều quốc gia với số lượng lớn người nhập cư từ các khu vực này. Chính vì tính chất phổ biến và mức độ nghiêm trọng lâm sàng của bất thường hemoglobin đã cho thấy đây một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Do vậy, sàng lọc các bất thường Hb bằng phương pháp điện di Hb nhằm mục đích phát hiện sớm bệnh hồng cầu hình liềm và bệnh thalassemia, từ đó có thể tư vấn, giáo dục và có chế độ chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

II. Điện di Hemoglobin

1. Định nghĩa: Điện di điện di hemoglobin (huyết sắc tố) là đánh giá thành phần và tỷ lệ hemoglobin (Hb) trong máu.
Hemoglobin (Hb) là một protein phức có chứa Fe++, làm nhiệm vụ vận chuyển O2 từ phổi đến tổ chức và vận chuyển CO2 từ tổ chức về phổi, Hb ở trong hồng cầu và chiếm khoảng 33% trọng lượng hồng cầu. Hb gồm có 2 thành phần là Hem và globin.
2. Các giai đoạn tổng hợp của Hb.
Quá trình tổng hợp globin bắt đầu từ tuần thứ 2-3 phôi thai, chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn phôi: Hb Gower I (x2e2); Hb Portland (x2g2); Hb Gower II (a2e2).
- Giai đoạn thai: HbF (a2g2); HbA (a2b2); Giai đoạn gần sinh HbA2 (a2d2).
- Giai đoạn sau sinh: HbA (a2b2), HbF (a2g2), HbA2 (a2d2).
Các huyết sắc tố bình thường ở người lớn là HbA, HbA2, HbF.
Bệnh thalassemia là hậu quả của hiện tượng đột biến hoặc mất các gen tham gia vào quá trình sinh tổng hợp các chuỗi globin. Nhóm các bệnh thalassemia được phân loại theo chuỗi globin bị bất thường : chuỗi globin α hoàn toàn không có hoặc thiếu thì gọi là bệnh α thalassemia, chuỗi β bị thiếu hoặc không có thì gọi là β- thalassemia, chuỗi δ và β ở bệnh nhân δβ- thalassemia…. Tuy nhiên, hai nhóm bệnh hay gặp nhất là α thalassemia và β thalassaemia. Hội chứng thalassemia chỉ bao gồm các bệnh có bất thường về mặt số lượng chuỗi globin, khác với nhóm bệnh huyết sắc tố khác có bất thường về cấu trúc chuỗi globin hay gọi là bất thường về chất lượng chuỗi globin ví dụ như bệnh huyết sắc tố E, huyết sắc tố S….trong một số các trường hợp, có thể có kết hợp bất thường về số lượng và bất thường về chất lượng, ví dụ như β- thalassemia – huyết sắc tố E….
Cho tới nay người ta phát hiện được ngày càng nhiều loại huyết sắc tố bất thường (> 700 loại) như HbH, Hb Bart’s, HbE, HbS, HbC, HbD,..

III. Phương pháp sàng lọc: Thường dùng phương pháp Điện di đẳng điện hemoglobin

IV. Đối tượng cần sàng lọc: Tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra

V. Mục đích sàng lọc:

- Phát hiện ra bệnh hồng cầu hình liềm (HbSS), HbS- β thalassemia, HbSC.
- Phát hiện ra một số bệnh rối loạn Hemoglobin (Hb) khác: β thalassemia, α thalassemia, Hb EE, Hb CC, HbAS, HbAC và HbAE…
VI. Cách lấy mẫu: Mẫu máu khô trên giấy thấm từ 24h sau sinh. Đối với những trẻ có chỉ định truyền máu, mẫu máu cần lấy trước khi truyền máu.
VII. Đánh giá kết quả
- Giai đoạn sơ sinh chỉ có 2 loại Hb là HbF (60-85%), HbA (15-40%), không có HbA2. Nếu trên bản gel điện di xuất hiện band HbS, HbE, HbD, HbBart’s… có thể kết luận bệnh nhân có bất thường hemoglobin.
- Giai đoạn trên 1 tuổi HbA chiếm 96-98%, HbA2 < 3,5%, HbF <1%. Nếu trên bản gel điện di xuất hiện band HbS, HbD, HbE, HbH …là bệnh nhân có bất thường hemoglobin. Nếu HbA2 >3,5% có thể là β- thalassemia..

VIII. Vì sao cần sàng lọc thalassemia ?

Thalassemia là bệnh hemoglobin (Hb) di truyền phổ biến nhất trên thế giới, gần 7% dân số thế giới mang gen bệnh và hàng năm khoảng 300.000 đến 500.000 trẻ sinh ra bị bệnh thalassemia thể nặng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 1994, khu vực châu Á có khoảng hơn 60 triệu người mang gen bệnh beta thalassemia, 29 triệu người mang gen bệnh alpha thalassemia và 84 triệu người mang gen bệnh hemoglobin E. Ở khu vực Đông Nam Á, ước tính mỗi năm cứ 1000 trẻ sinh ra có 10 trẻ bị thalasemia thể nặng. Việt Nam nằm trong vùng có tần suất cao các gen bệnh alpha, beta thalasemia và hemoglobin E. Do phân bố các gen bệnh ở khắp các vùng trong cả nước, dẫn đến lưu hành rộng rãi bệnh beta thalassemia và đặc biệt thể beta thalassemia kết hợp với hemoglobin E. Ước tính ở Việt nam, hàng năm có khoảng 1.700 trẻ sinh ra bị bệnh thalassemia. Chính vì vậy, sàng lọc sơ sinh bệnh Thalassemia và bệnh Hemoglobin bằng phương pháp điện di Hb có vai trò vô cùng quan trọng, nhằm phát hiện sớm bệnh thalassemia và các bệnh huyết sắc tố khác, từ đó có thể tư vấn, giáo dục và có chế độ chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân và gia đình trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Hình 1: Một kết quả điện di huyêt sắc tố

Hình 2: Giá trị Hb bình thường