SKĐS - Các nhà khoa học vừa khám phá thêm nhiều hiện tượng mới lạ về bộ não của con người - một bộ phận phức tạp và kỳ diệu nhất mà cho đến nay khoa học vẫn chưa thể hiểu hết được.
Các nhà khoa học vừa khám phá thêm nhiều hiện tượng mới lạ về bộ não của con người - một bộ phận phức tạp và kỳ diệu nhất mà cho đến nay khoa học vẫn chưa thể hiểu hết được. Đây là những hiện tượng lạ do chính não bộ “sao chép” tạo ra.
Chúng ta đều biết sự cách ly là không tốt cho cơ thể và thực tế những người sống cô đơn thường bị tăng huyết áp, dễ mắc các loại bệnh truyền nhiễm và mất trí nhớ. Nỗi cô đơn còn ảnh hưởng đến các chức năng khác như giấc ngủ, sự tập trung cũng như khả năng suy luận. Tuy nhiên, tác động nghiêm trọng nhất của sự cô đơn phải kể đến là hệ thần kinh. Khoa học không biết chính xác lý do tại sao lại có hiện tượng này, nhưng hiện tượng cách ly hay cô lập triệt để đã tạo ra phản ứng tiêu cực lên cơ thể con người. Cách ly triệt để, chẳng hạn như biệt giam hoặc sống cô đơn ở nơi hẻo lánh... có thể tàn phá tâm trí con người theo nhiều cách, trong đó thủ phạm chính là bộ não con người.
Những người bị cách ly quá lâu dễ bị tăng phản ứng tiêu cực trong cơ thể.
Năm 1961, một nhà địa chất trong một chuyến thám hiểm đến dãy Alps, Pháp đã ở lại dưới lòng đất mà không có ánh sáng trong 2 tháng quan sát ảnh hưởng đối với cơ thể. Khi lên mặt đất, các thành viên nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy nhà địa chất này có những thay đổi lạ về tâm trí, đặc biệt là khả năng định hướng thời gian và xuất hiện những ảo giác đáng sợ. Ví dụ, về thời gian, nhà địa chất này cho là mới có 120 giây trôi đi nhưng thực tế là 5 phút. Điều này cho thấy bóng tối khiến con người nhận thức sai lệch về thời gian.
Trong một thí nghiệm khác thực hiện năm 1993, Maurizio Montalbini - một nhà xã hội học người Italia đã thử nghiệm sống 366 ngày trong một hang động dưới lòng đất được Cơ quan Nghiên cứu hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) thiết kế để giả lập môi trường không gian. Khi quay lại cuộc sống bình thường, Montalbini cho rằng mới chỉ có 219 ngày. Các nhà khoa học cho rằng bóng tối khiến cơ thể tự điều chỉnh từ 24 giờ sang chu kỳ 48 giờ, trong đó có 36 giờ dành cho hoạt động bình thường và 12 giờ để ngủ.
Vì sao sự cô lập lại khiến não con người thay đổi như vậy? Các nhà tâm lý cho rằng một số vùng trong não bộ đảm nhận nhiệm vụ cảm ứng đã quá quen thuộc với việc xử lý nhiều thông tin cùng một lúc như hình ảnh, âm thanh hay các yếu tố môi trường khác. Nên khi thông tin bị ngắt đột ngột, các dây thần kinh có nhiệm vụ chuyển thông tin tới bộ xử lý trung tâm trong não vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng những thông tin chuyển tải này lại không có ý nghĩa và khi bộ não tìm cách “tổng hợp” các thông tin này sẽ trở nên vô nghĩa. Nói đơn giản, não đã tạo nên một thế giới không có thật. Ngoài ra, những cảm xúc chúng ta có được là do sự giao tiếp cộng đồng, giữa người với người nhưng khi bị cách ly, bị cắt giao tiếp, những cảm xúc sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, giận dữ không được giải tỏa khiến cảm xúc của con người trở nên lệch lạc theo.
(Theo LV/BBC, 5/2015)