Saturday, August 6, 2022

Báo cáo lâm sàng một trường hợp hiếm gặp: Thoát Vị Bịt

I ĐẶT VẤN ĐỀ

          Thoát vị bịt là một thoát vị thành bụng rất hiếm găp với tỷ lệ mắc khoảng 0.073% [2], lần đầu tiên được mô tả bởi Armaud de Ronsil vào năm 1724 và lần đầu tiên được điều trị thành công bởi Henry Obre vào năm  1851 [3],[4].  Bệnh xảy ra khi các thành phần trong ổ bụng chui qua chỗ khuyết của lỗ bịt để đi vào ống bịt (Hình 1) Nội dung thoát vị thường là ruột non nhưng cũng có thể là đại tràng, mạc nối lớn, vòi trứng, ruột thừa...Bệnh thường xảy ra ở bên phải do do bên trái có đại tràng sigma chắn lỗ bịt.  

          Nguyên nhân thoát vị bịt được cho là sự lỏng lẻo của sàn chậu đi kèm với tuổi cao, giảm lượng mỡ của cơ thể (làm rộng lỗ bịt) và tăng áp lực ổ bụng (tình trạng táo bón kéo dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cổ trướng…). Do vậy thoát vị bịt hay gặp ở phụ nữ lớn tuổi, gầy, đẻ nhiều lần và thường phối hợp với các bệnh lí khác [1],[2],[3],[4],[5]. Chính vì vậy nó được mang biệt danh "thoát vị của phụ nữ già và gầy".

Thoát vị bịt thường biểu hiện với các triệu chứng không đặc hiệu của tắc ruột cấp và thường chỉ được chẩn đoán trong khi mổ để giải quyết nguyên nhân tắc ruột. Điều trị phẫu thuật chậm trễ làm tăng tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ nhất là ở người già có kèm theo bệnh tim mạch và hô hấp. Chẩn đoán thoát vị bịt trước mổ vẫn là thách thức cho hầu hết các phẫu thuật viên.

          Thoát vị bịt hiện nay có thể chẩn đoán được trước mổ nhờ những hình ảnh đặc hiệu trên phim chụp cắt lớp vi tính. Bài viết này chúng tôi giới thiệu một trường hợp thoát vị bịt gây tắc ruột được chẩn đoán trước mổ bằng CT scan và được điều trị phẫu thuật cấp cứu thành công.