Khi sinh viên các trường về quê đón Tết bên gia đình, những bạn trẻ đến từ Đại học Y Hà Nội lại lặng lẽ vào bệnh viện trực Tết. Họ muốn giúp đỡ bệnh nhân trong ngày đầu năm mới.
Đón Tết ở bệnh viện là một trong những yêu cầu đối với sinh viên Y khoa. Đào Dũng Trí (Đại học Y Hà Nội) kể nam sinh đã có những đêm thức trắng ở bệnh viện nhưng trực Tết luôn đem đến những cảm xúc khác hẳn ngày thường.
Đón Tết trong bệnh viện
Trí cho biết khoa Cấp cứu thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông trong đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới.
“Áp lực với bác sĩ cấp cứu trong những ngày này rất lớn. Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi bên gia đình, các y, bác sĩ và cả sinh viên thực tập lại phải làm việc gấp 2 đến 3 lần bình thường”, Trí cho hay.
Các bác sĩ và sinh viên Y trực Tết.
Chàng trai này cho hay số sinh viên trực Tết chỉ bằng một nửa ngày thường, khoảng 25 bạn. Bốn phòng cấp cứu, mỗi phòng 6 người. Họ theo dõi nhiệt độ, huyết áp, đo điện tim, sơ cứu ban đầu (nẹp, băng bó vết thương, hỗ trợ bệnh nhân chụp X-quang, phụ mổ).
Nguyễn Thùy Trang (Y5, Đại học Y Hà Nội), chia sẻ những người trực Tết ở bệnh viện thường chuẩn bị mọi thứ rất đơn giản. Nhân viên, điều dưỡng và sinh viên sẽ gói bánh chưng, chia từng hộp mứt và bánh kẹo cho bệnh nhân. Trang bảo đây là hành động rất ý nghĩa, ấm tình người trong những ngày đầu năm mới.
“Tặng quà Tết cho bệnh nhân vui lắm. Các bác sĩ đến từng giường bệnh hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần để họ yên tâm điều trị, vui vẻ đón Tết trong viện”, Trang tâm sự.
Sinh viên Y trực Tết thường mang các món ăn gia đình chuẩn bị chia sẻ với nhau. Người mang bánh chưng, bánh tẻ, bạn góp đặc sản quê; lúc rảnh cùng nhau ăn uống, trò chuyện.
Với Nguyễn Thu Cúc (Y6, Đại học Y Hà Nội), kỷ niệm đáng nhớ trong dịp trực Tết là được gặp mặt lãnh đạo Chính phủ. Ông đã tặng quà, tâm sự, động viên tinh thần đối với cán bộ y tế, cũng như sinh viên đang làm việc tại bệnh viện.
"Lãnh đạo bệnh viện và nhà trường cũng thường đến thăm hỏi những người trực Tết, trong đó có sinh viên Y khoa, và bệnh nhân cùng người nhà. Vui nhất là phần lì xì, không nhiều nhưng đó là tiền mừng tuổi đầu tiên trong năm mới mà mình được nhận trong dịp Tết”, Cúc cho biết.
Lãnh đạo Đại học Y Hà Nội thăm và chúc Tết sinh viên trực tại các bệnh viện.
Làm việc ở bệnh viện ngày Tết nhận được nhiều lời hỏi thăm, chúc tụng nhưng vẫn không thiếu những cảm xúc xót xa.
Chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân là điều bác sĩ phải đối mặt. “Những mất mát ngày đầu năm thực sự đau lòng hơn rất nhiều. Không ít lần, mình thấy buồn vì bất lực trước những sự ra đi ấy”, Việt Long (Y6, Đại học Y dược TP.HCM) thở dài tâm sự.
Dũng Trí thì nhớ mãi ca cấp cứu bệnh nhân nam 20 tuổi bị tai nạn giao thông. Bố mẹ mất sớm, em nhỏ học lớp 5, nạn nhân vào viện chỉ có bà cô theo cùng.
Bệnh nhân có khối máu tụ dưới màng cứng đang lớn dần trong não, phải mổ cấp cứu. Người này cố nói trong lúc lơ mơ rằng “cho cái Lan (em gái) sang nhà cô ăn Tết nhé, bảo nó là cháu Tết này đi làm không về”. Trí bảo khi đó, nhiều người không cầm được nước mắt.
Mong muốn mang hạnh phúc đầu năm
Dù phải trực vào đêm giao thừa, không được ăn Tết cùng người thân, Nguyễn Thùy Trang vẫn không cảm thấy buồn vì cô thấy được niềm vui từ việc giúp đỡ người khác.
“Mình vui khi thấy bệnh nhân có thể tỉnh dậy đón Tết hay đôi khi hỏi thăm, cảm ơn bác sĩ và sinh viên như mình”, Trang nói.
Đào Dũng Trí mong muốn sẽ làm những gì tốt nhất có thể cho bệnh nhân trong khả năng của mình.
“Mình mong muốn sẽ đi trực nhiều hơn để nâng cao chuyên môn, tay nghề, đồng thời giúp đỡ được phần nào các bác sĩ ở bệnh viện vì họ rất vất vả”, Trí chia sẻ.
Khó khăn là vậy, làm việc luôn tay và có những đêm thức trắng không ngủ, nhưng Nguyễn Thu Cúc và các sinh viên ở đây khẳng định họ vẫn mong muốn sẽ trực vào dịp Tết những năm sau nữa.
Cô cho rằng “Tết không chỉ sum họp bên gia đình người thân, mà còn là sự động viên chia sẻ với từng người bệnh”.
Nguồn : Zing News 2017